Trang tin Công nghệ, Gaming và Giải Trí tổng hợp

Tech

Ấn Độ muốn trở thành cường quốc bán dẫn toàn cầu trong vòng 5 năm

Ấn Độ

Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Điện tử, Thông tin và Truyền thông Ấn Độ cho biết, nước này muốn trở thành một trong năm nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới trong 5 năm tới.

Trên chương trình Street Signs Asia của CNBC, ông Vaishnaw nhận xét ngành công nghiệp chip cũng như chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu cực kỳ phức tạp. Ông dự báo “trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ nằm trong số 5 quốc gia bán dẫn hàng đầu thế giới”.

Tính đến tháng 12/2023, Đài Loan (Trung Quốc) nắm giữ khoảng 46% công suất đúc chip toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc (26%), Hàn Quốc (12%), Mỹ (6%) và Nhật Bản (2%), theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce.

Ấn Độ

Ấn Độ muốn có tên trong 5 cường quốc bán dẫn hàng đầu thế giới trong 5 năm tới. (Ảnh: The Print)

Ấn Độ sẽ được hưởng lợi khi nhiều công ty tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc do căng thẳng Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Ông Vaishnaw cho biết, Ấn Độ là “đối tác chuỗi giá trị đáng tin cậy” cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, điện tử công nghiệp và quốc phòng. “Một số người gọi đó là ‘friend-shoring’. Tôi gọi đó là ‘trust-soring’ vì có một niềm tin toàn cầu ở Ấn Độ”, ông Vaishnaw nói. Friendshoring là thuật ngữ chỉ chủ trương xây dựng các dây chuyền cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, còn trust-soring liên quan đến các nước đáng tin cậy.

Tuần trước, gã khổng lồ chip Mỹ Qualcomm khai trương một trung tâm thiết kế mới ở Chennai. Cơ sở này sẽ tập trung vào thiết kế công nghệ không dây và tạo ra 1.600 việc làm trong nước. Qualcomm đã đầu tư vào Ấn Độ trong hơn một thập kỷ. Nhiều chip của hãng được thiết kế ở đây.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây dự lễ khánh thành ba nhà máy bán dẫn. Một trong những nhà máy đó là liên doanh giữa Tata Electronics và Powerchip Semiconductor Manufacturing Corp (PSCM) của Đài Loan. Chủ tịch PSMC Frank Huang nói với Financial Times rằng, mục tiêu là tạo ra chip bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ vào năm 2026.

“Chip sản xuất tại Ấn Độ sẽ giúp tạo ra sự hiện diện mạnh mẽ và đáng kể cho Ấn Độ trong chuỗi giá trị toàn cầu – nó sẽ biến Ấn Độ trở thành trung tâm bán dẫn của thế giới”, Quốc vụ khanh phụ trách Công nghệ Thông tin và Điện tử của Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar phát biểu.

Bộ trưởng Vaishnaw không bối rối trước câu hỏi về việc các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại Ấn Độ vẫn còn tụt hậu trong trò chơi sản xuất chất bán dẫn và còn nhiều việc phải làm. Ông dự đoán lĩnh vực bán dẫn toàn cầu sẽ trị giá 1.000 tỷ USD trong vòng 7 năm tới. Để tăng trưởng như vậy, đòi hỏi bổ sung gần 1 triệu kỹ sư bán dẫn và Ấn Độ có đủ nhân lực cũng như hệ sinh thái để xử lý mức độ phức tạp này.

“Đây hoàn toàn là thời điểm thích hợp để tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn và chúng tôi đã nhanh chóng có được sự tin tưởng của toàn bộ ngành công nghiệp toàn cầu”, Bộ trưởng nói thêm.

Tháng 11/2023, đối tác Foxconn của Apple tuyên bố có kế hoạch đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Ông Vaishnaw khẳng định, tất cả các công ty đều xem Ấn Độ như một điểm đến tự nhiên cho quyết định đầu tư tiếp theo, xác nhận các báo cáo gần đây rằng chính phủ đang xem xét các dự thảo liên quan đến bán dẫn với tổng trị giá 21 tỷ USD.

(Theo CNBC)