Không chỉ cấm vận các chip tiên tiến, hai nghị sĩ Mỹ mới đây đã lên tiếng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra rào cản thương mại nhằm vào cả các chip thế hệ cũ của Trung Quốc.
Các chip thế hệ cũ sở hữu hàm lượng công nghệ thấp khi so sánh với các chip tiên tiến hiện nay nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm từ máy rửa chén đến xe điện.
Theo báo Nikkei, hạ nghị sĩ Mike Gallagher thuộc Đảng cộng hòa và hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi của Đảng Dân chủ ở Mỹ mới đây đã cùng gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi khẩn cấp hành động nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc của Mỹ vào chip thế hệ cũ từ Trung Quốc bằng mọi cách, bao gồm cả sử dụng hàng rào thuế.
“Chúng tôi lo ngại rằng [Trung Quốc] đang trên đà làm ngập tràn thị trường Mỹ và toàn cầu bằng hàng loại sản phẩm chip cơ bản”, hai nghị sĩ viết trong thư. Các nhà lập pháp này cho biết, so với các chip hiệu suất cao tiên tiến, sự chú ý đến việc các chip cơ bản do Trung Quốc sản xuất gây ra nguy cơ an ninh cho Mỹ ít hơn nhiều.
Trong khi những con chip tiên tiến (tiến trình từ 8 nanomet trở lại) dùng trong điện thoại thông minh, siêu máy tính và trung tâm dữ liệu hầu hết được sản xuất ở Đài Loan và Hàn Quốc, Trung Quốc đang tăng cường năng lực cho những con chip cơ bản hay còn gọi là những chip thế hệ cũ hoặc chip trưởng thành có tiến trình 28 nm hoặc lớn hơn. Những con chip này tận dụng công nghệ từ 10 đến 20 năm trước nhưng vẫn được sử dụng trong nhiều loại hàng hóa hiện nay, bao gồm cả một số thiết bị quân sự.
Một báo cáo của Rhodium Group vào tháng 4 năm ngoái đã lưu ý rằng Trung Quốc và Đài Loan cùng nhau có thể chiếm gần 80% công suất sản xuất chip từ 20 đến 45 nm trên toàn cầu trong vòng 3 đến 5 năm tới. Rhodium Group cho biết, trong phạm vi 50 đến 180nm, Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 30% và trong vòng một thập kỷ tới nước này có thể kiểm soát khoảng 46% sản lượng toàn cầu.
Trong thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, hai nhà lập pháp đưa ra ý tưởng thiết lập “thuế linh kiện” áp thuế nhập khẩu lên chính con chip thế hệ cũ chứ không phải đánh giá chung vào cả thành phẩm.
Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ có kế hoạch trao khoản tài trợ trị giá 162 triệu USD cho Microchip Technology để hỗ trợ hãng này sản xuất các sản phẩm chip truyền thống (là chip thế hệ cũ). Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ thì “đó là một bước đi có ý nghĩa trong nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố chuỗi cung ứng các chất bán dẫn truyền thống dùng trong mọi thứ từ ô tô, máy giặt đến tên lửa”.
Bộ Thương mại Mỹ tháng trước cũng thông báo sẽ tiến hành một cuộc khảo sát để xác định cách các công ty Mỹ tìm nguồn cung ứng chip truyền thống.
Bộ này cho biết cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 1/2024 nhằm mục đích “giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia” do Trung Quốc gây ra và sẽ tập trung vào việc sử dụng cũng như tìm nguồn cung ứng chip truyền thống do Trung Quốc sản xuất trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ.
Jimmy Goodrich, chuyên gia bán dẫn và cố vấn cấp cao của công ty RAND Corp về các vấn đề công nghệ, chia sẻ với hãng tin Nikkei rằng dữ liệu thống kê cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trở thành nhà sản xuất chip truyền thống thống trị toàn cầu trước cuối thập kỷ này với chuỗi cung ứng tương đối tự cung tự cấp.
“Sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc đối với thị trường chip truyền thống sẽ tạo ra những lỗ hổng kinh tế và an ninh quốc gia mới cho Mỹ, nhưng chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh”, Jimmy Goodrich nói.
Megan Hogan, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đã viết trên trang web War on the Rocks vào tháng trước rằng: “Chiến thắng trong cuộc chiến chip với Trung Quốc đòi hỏi phải duy trì sự thống trị trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến và giảm sự phụ thuộc vào các chip truyền thống của Trung Quốc”.
“Những con chip cũ làm nền tảng cho mọi thứ, từ máy rửa chén đến hệ thống vũ khí quân sự. “Giống như đã làm với năng lượng mặt trời, Trung Quốc có thể loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thông qua việc bán phá giá, khiến Mỹ và phần còn lại của thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc về chip thế hệ cũ”, Megan Hogan nói.
Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga có thể đã thúc đẩy quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng năng lực chip truyền thống của mình, trong đó Bắc Kinh đã lưu ý đến ví dụ về cách chính quyền Mỹ đã tập trung các lệnh trừng phạt Nga vào chất bán dẫn, thứ mà Nga không thể tự sản xuất.
Một nhà phân tích cho biết: “Trung Quốc đang nghiên cứu rất kỹ kế hoạch trừng phạt và tác động đối với nền kinh tế Nga. Họ hy vọng rằng họ sẽ có một vùng đệm mạnh mẽ hơn để chống lại các lệnh trừng phạt”.
Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning gọi việc Mỹ thắt chặt các biện pháp kiềm chế đối với các công ty bán dẫn của Trung Quốc là “hành vi bắt nạt kinh tế toàn diện”. Bà cho biết các biện pháp mà Mỹ thực hiện vượt ra ngoài lĩnh vực an ninh quốc gia. Hành vi của Mỹ đang gây tổn thất nghiêm trọng cho sự ổn định của thế giới.
Nguồn: vnreview.vn.