Theo một báo cáo từ MyDrivers, giới đầu cơ ở các quốc gia láng giềng Trung Quốc đã chi bộn tiền để thu mua các hệ thống PC được lắp sẵn có trang bị card đồ họa GeForce RTX 4090. Sau đó, những người này sẽ tháo rời và bán mẫu card này vào thị trường chợ đen tại Trung Quốc để thu lợi nhuận.
Được giới thiệu tháng 9/2022, RTX 4090 là mẫu card đồ họa tiên tiến nhất của Nvidia cho người dùng cuối, với giá khởi điểm 1.599 USD khi ra mắt. Được sản xuất trên tiến trình 5 nm, bên cạnh khả năng chơi game cực tốt, RTX 4090 cũng có khả năng xử lý và hỗ trợ AI với hiệu suất cực kỳ cao. Do vậy, RTX 4090 cùng với một số GPU khác đều nằm trong danh sách các thiết bị công nghệ được bị săn lùng ráo riết tại Trung Quốc sau quy định hạn chế về chip AI của Mỹ.
Theo đó, “khủng hoảng” về RTX 4090 xuất hiện ngay sau ngày 17/10 năm ngoái khi Bộ Thương mại Mỹ xác nhận kế hoạch ngăn các công ty nước này bán chip AI cho Trung Quốc. Quy định mới nhằm khắc phục những lỗ hổng xuất hiện sau khi Đạo luật Chips và Khoa học được ban hành tháng 8/2022.
Tình trạng khan hàng của RTX 4090 tại Trung Quốc càng nghiên trọng khi Nvidia quyết định loại bỏ RTX 4090 khỏi cửa hàng chính thức trên nền tảng mua sắm JD.com kể từ ngày 19/10/2022 cho đến nay. Đồng thời, một số đối tác phần cứng lớn của Nvidia là Asus hay MSI cũng ngừn bán RTX 4090 khỏi cửa hàng trực tuyến trên Taobao và JD, khiến người dùng Trung Quốc dù có tiền cũng không mua nổi mẫu card đồ họa này.
Mặc dù sau đó Nvidia đã ra mắt phiên bản GeForce RTX 4090D dành riêng cho thị trường Trung Quốc với sự cắt giảm về thông số kĩ thuật, nhu cầu tìm mua RTX 4090 của các công ty AI Trung Quốc vẫn không hề giảm sút.
Kết quả, một số ‘thương gia’ nhanh nhạy tại một số quốc gia Châu Á đã nhanh chóng thu mua hàng loạt các card đồ họa GeForce RTX 4090 để bán vào thị trường quốc gia tỷ dân.
RTX 4090 khan hàng, dân đầu cơ Châu Á tha hồ kiếm lợi
Theo đó, giá bán lẻ đề xuất của RTX 4090 của Nvidia là 1.599 USD, được coi là khá đắt đỏ. Nhưng những người mua ở chợ điện tử Quang Hoa Digital Plaza ở Đài Loan (Trung Quốc) và chợ điện tử Yongsan ở Hàn Quốc đã ‘đưa ra chiếc túi đựng đầy tiền mặt’ để mua những mẫu card đồ họa này với giá hơn 2.500 USD, sau đó bán lại chúng ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông với giá gấp ba lần.
Những cảnh tượng tương tự đã diễn ra khắp khu vực, từ các nhà cung cấp máy tính ở Singapore và Việt Nam. Các phóng viên của Nikkei Asia tại các khu vực này đều ghi nhận tình trạng khan hiếm nghiêm trọng của RTX 4090, với giá cao hơn tới 60% so với khi mẫu GPU này được ra mắt cách đây hơn một năm.
Một chủ cửa hàng nói với Nikkei: “Họ mua những thứ này để sau đó bán lại cho những khu vực phải đối mặt với các hạn chế của Mỹ với giá cao hơn nhiều”. “Họ có thể mang chúng đến Hồng Kông hoặc các thành phố khác của Trung Quốc.”
Tuy nhiên, ở Đài Loan (Trung Quốc), việc thu mua RTX 4090 số lượng lớn khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trên trang PCHome24 của Đài Loan, nhiều mẫu card RTX 4090 được bán mà không yêu cầu người dùng phải mua kèm theo cả bộ PC. Hiện tại, card GeForce RTX 4090 giá tốt nhất tại PCHome24 có giá là 62.990 Đài tệ (khoảng 2.000 USD), bao gồm thuế VAT 5%. Tuy nhiên, để có thể mua hàng từ trang web này, người dùng phải có thẻ SIM tại Đài Loan (Trung Quốc), vốn được quản lý chặt chẽ và liên kết với số thẻ căn cước. Do vậy, dân đầu cơ các nước khác khó có thể gom hàng một cách ồ ạt.
Bản thân các nhà bán lẻ linh kiện PC cũng cố gắng ngăn chặn việc này bằng cách áp dụng chiến lược không bán lẻ RTX 4090. Thay vào đó, người dùng sẽ buộc phải mua kèm mẫu card này với các hệ thống PC được lắp ráp sẵn. Đây là chính sách được áp dụng tại một số cửa hàng bán linh kiện tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, chiến lược này vẫn không thể ngăn cản được ‘lòng tham’ của giới đầu cơ, do lợi nhuận thu về từ việc đáp ứng nhu cầu sở hữu GPU hàng đầu này tại Trung Quốc vẫn quá hấp dẫn. Đương nhiên, với những bộ PC được lắp sẵn, chúng sẽ được thay thế bởi một mẫu card đồ họa khác và vẫn có thể được bán tới tay người dùng. Cụ thể, báo cáo của MyDrivers khẳng định một cá nhân tại Đài Loan (Trung Quốc) đã chấp nhận chi tới 91.000 USD chỉ để mua 20 bộ PC cao cấp trang bị card RTX 4090, với mỗi bộ có giá cực kỳ đắt đỏ, lên tới hơn 4.500 USD. Tất cả việc này nhằm mục đích kiếm lời một cách nhanh chóng từ việc bán lại RTX 4090.
Đáng chú ý, các hạn chế xuất khẩu các linh kiện như RTX 4090 không chỉ ảnh hưởng tới người dùng cá nhân, mà còn cản trở đáng kể sự phát triển của một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc. Trao đổi với Nikkei, đồng sáng lập của một công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Hồng Kông chia sẻ việc mua GPU có khả năng xử lý AI thông qua các kênh hợp pháp đã trở nên rủi ro. Do vậy, công ty này buộc phải thực hiện việc mua sắm các thiết bị qua kênh trung gian. Đán nói, các kênh trung gian này có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ trong bối cảnh RTX 4090 vẫn có thể được mua ở nhiều địa điểm ở Trung Quốc đại lục, bất chấp lệnh cấm.
“Hiện tại không có hàng [của GeForce RTX 4090], nhưng có thể mất khoảng ba đến bốn ngày để có hàng ở đây”, một nhà cung cấp tại chợ đồ điện tử Huaqiangbei ở Thâm Quyến, Trung Quốc, nói với Nikkei.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ban-rtx-4090-sang-trung-quoc-lai-qua-khung-nhieu-con-buon-san-sang-mua-pc-lap-san-gia-110-trieu-ong-chi-e-lay-gpu-ben-trong-a402349.html