Trang tin Công nghệ, Gaming và Giải Trí tổng hợp

Entertainment

LONGi Green Energy, bi kịch của ông trùm điện mặt trời Trung Quốc

LONGi Green Energy

LONGi Green Energy, nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới, chính thức thông báo sẽ sa thải 5% nhân công.

Tháng 12/2023, tỷ phú Li Zhenguo của một trong những hãng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là Longi Green Energy Technology đã hùng hồn tuyên bố sẽ cứu trái đất trong hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN) tổ chức tại Dubai.

“Cơ hội để mọi người đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp năng lượng tái tạo là vô tận”, tỷ phú Li cho biết khi cam kết cung ứng một hệ thống năng lượng mặt trời xanh cho quá trình giảm khí phát thải nhà kính.

Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau lời tuyên bố đầy mạnh mẽ này, nhà sáng lập Li đã phải đuổi việc hàng nghìn công nhân nhà máy lẫn nhân viên văn phòng do giá thị trường năng lượng mặt trời sụt giảm mạnh.

Thậm chí động thái của Longi tại Trung Quốc còn làm dấy lên những chỉ trích về văn hóa doanh nghiệp của công ty, vốn từng hứa hẹn rất nhiều về bảo vệ môi trường.

Bi kịch của ông trùm điện mặt trời: Hùng hồn tuyên bố sẽ cứu Trái Đất, 3 tháng sau phải sa thải hàng nghìn nhân viên, hàng tỷ sản phẩm dư thừa không biết bán cho ai- Ảnh 1.

Biết ‘sai’ nhưng vẫn phải làm

Vào tuần trước, tập đoàn Longi đã tuyên bố sẽ cắt giảm 5% trong tổng số 80.000 nhân viên của mình. Động thái này được đưa ra nhằm trấn an dư luận khi hãng tin Bloomberg trước đó đưa tin công ty có kế hoạch cắt giảm 30% nhân sự.

Theo Longi, tỷ lệ sa thải có thể lớn hơn 5% do giá modul năng lượng mặt trời giảm hơn 50% trong năm vừa qua khiến doanh thu của hãng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên việc Longi sa thải lượng lớn lao động bị chỉ trích rất nhiều do bị coi là “sai” về mặt đạo đức cũng như văn hóa tuyển dụng ở Trung Quốc

Dẫu vậy, tỷ phú Li vẫn buộc phải thực hiện cắt giảm nhân sự dù biết sẽ nhận về nhiều chỉ trích do mục đích tối cao vẫn là lợi nhuận. Sự bùng nổ của ngành năng lượng mặt trời tại Trung Quốc đã dẫn đến sự dư thừa nguồn cung, khiến khi giá giảm, hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh thua lỗ.

Tồi tệ hơn, Longi khó có thể phát triển mạnh ở nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với nhiều nước trên thế giới. Việc Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu về nhiều mặt hàng công nghệ năng lượng tái tạo đã gây áp lực lên chính phủ các nền kinh tế Phương Tây.

Những mặt hàng như xe điện, tua bin gió hay tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc đều trở thành những sản phẩm bị các cơ quan chức năng nước ngoài theo dõi chặt chẽ vì lo sợ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương.

18 tỷ USD

Nhà sáng lập Li ban đầu làm việc tại một nhà máy sản xuất chip máy tính quốc doanh trước khi thành lập Longi cùng 2 người bạn đại học.

Hiện tập đoàn này chiếm hơn 80% sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu nhờ sự hỗ trợ sâu rộng hàng chục năm của chính phủ Trung Quốc.

Bi kịch của ông trùm điện mặt trời: Hùng hồn tuyên bố sẽ cứu Trái Đất, 3 tháng sau phải sa thải hàng nghìn nhân viên, hàng tỷ sản phẩm dư thừa không biết bán cho ai- Ảnh 2.

Tập đoàn này được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải vào năm 2012 và chỉ 10 năm sau đó, hãng Longi đã có báo cáo doanh thu thường niên lên đến 130 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 18 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 54 tỷ Nhân dân tệ năm 2020.

Báo cáo của Viện nghiên cứu Hurun chuyên theo dõi giới nhà giàu ở Trung Quốc cho biết tính đến tháng 10/2023, nhà sáng lập Li và vợ có tổng tài sản khoảng 5,7 tỷ USD, gần tiếp cận top 100 người giàu nhất nước.

Nhiều chuyên gia cho biết sự thành công của Li chủ yếu đến từ sự đột phá trong công nghệ vật liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, qua đó cải thiện đáng kể hiệu quả và tuổi thọ sản phẩm.

Những tiến bộ kỹ thuật như thay thế vật liệu khiến tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất nhiều điện năng hơn, hay công nghệ cắt sản phẩm mới giúp giảm thời gian và chi phí sản xuất đều góp phần làm nên sự thành công của Longi.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ của Longi nói riêng và ngành năng lượng mặt trời nói chung là sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Alex Payette của Cercius Group cho biết chính quyền Bắc Kinh nhận thức rất rõ tầm quan trọng của tăng cường an ninh năng lượng, tự cung tự cấp chuỗi cung ứng năng lượng của đất nước. Do đó, việc hỗ trợ phát triển những doanh nghiệp như Longi là cần thiết.

Bi kịch của ông trùm điện mặt trời: Hùng hồn tuyên bố sẽ cứu Trái Đất, 3 tháng sau phải sa thải hàng nghìn nhân viên, hàng tỷ sản phẩm dư thừa không biết bán cho ai- Ảnh 3.

Bong bóng?

Tờ Financial Times (FT) nhận định ngành năng lượng mặt trời có tính chu kỳ như bao mảng khác và việc cắt giảm hàng loạt nhân sự là điều không thể tránh khỏi khi các doanh nghiệp Trung Quốc tập trung tăng sản lượng suốt nhiều năm thay vì có một chiến lược lợi nhuận bền vững.

Báo cáo của hãng tư vấn Climate Energy Finance cho thấy Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã sản xuất 1.000 GWH các tấm pin năng lượng mặt trời, nhiều gấp 3 lần so với nhu cầu cả năm tại nội địa. (1.000 GWH khoảng 3,1 tỷ tấm pin năng lượng).

Trung Quốc hiện chỉ cần khoảng 280-320 GWH năng lượng mặt trời mỗi năm từ nay đến năm 2030.

“Số chi phí tiết kiệm được nhờ sa thải nhân viên chẳng đáng là bao so với đà giảm giá 50% trên thị trường trong năm vừa qua”,

Phó chủ tịch Dennis She của Longi trả lời FT rằng tỷ lệ hoạt động của nhà máy đã giảm xuống mức thấp nhất 70% và nhiều khả năng sẽ có một cuộc hợp nhất trong tương lai nếu tình hình hiện nay vẫn tiếp diễn.

Thừa sản lượng là vậy nhưng trên thị trường quốc tế, mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc còn bị các cơ quan chức năng theo dõi sát sao sau quãng thời gian bùng nổ và đe dọa ngành công nghiệp địa phương.

Vào tháng 1, Liên minh Châu Âu (EU) cho biết đang xem xét những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp sau khi làn sóng tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường khiến hàng loạt nhà máy địa phương phải đóng cửa.

Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ cũng đang kêu gọi tăng thuế với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù đã có hàng rào thuế quan nhưng nhiều hãng sản xuất Trung Quốc đã cố tình lách thuế bằng cách hoàn thiện sản phẩm ở nước thứ 3 trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

*Theo: FT, Bloomberg

Nguồn: https://antt.nguoiduatin.vn/bi-kich-cua-ong-trum-dien-mat-troi-hung-hon-tuyen-bo-se-cuu-trai-dat-3-thang-sau-phai-sa-thai-hang-nghin-nhan-vien-hang-ty-san-pham-du-thua-khong-biet-ban-cho-ai-11623.html