Trang tin Công nghệ, Gaming và Giải Trí tổng hợp

Tech

Người đầu tiên được cấy chip Neuralink vào não đã điều khiển được chuột máy tính bằng suy nghĩ

neuralink

Neuralink đang tiếp tục phát triển công nghệ, hướng đến mục tiêu cho phép người nhận điều khiển chuột theo nhiều hướng khác nhau và giữ nút

Elon Musk, nhà sáng lập Neuralink – công ty công nghệ thần kinh tiên tiến, vừa chia sẻ tin tức đầy hứa hẹn về tiến bộ trong thử nghiệm cấy ghép chip não. Theo đó, bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép chip não của Neuralink đã hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật diễn ra vào tháng trước và hiện có thể điều khiển con trỏ chuột máy tính chỉ bằng suy nghĩ.

Musk cho biết bệnh nhân đang có tiến triển tốt và dường như đã hồi phục hoàn toàn, với các chức năng thần kinh bình thường. Khả năng di chuyển chuột bằng suy nghĩ của người được cấy chip được cho là một bước tiến quan trọng của Neuralink, cho thấy tiềm năng to lớn của công nghệ cấy ghép chip não trong việc phục hồi chức năng cho những người bị mất khả năng vận động.

Neuralink đang tiếp tục phát triển công nghệ, hướng đến mục tiêu cho phép người nhận điều khiển chuột theo nhiều hướng khác nhau và giữ nút. Musk cho biết công ty đang nỗ lực để tối ưu hóa khả năng điều khiển bằng suy nghĩ, mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng trong tương lai.

Elon Musk: Người đầu tiên được cấy chip Neuralink vào não đã điều khiển được chuột máy tính 'chỉ bằng suy nghĩ'- Ảnh 1.

Công nghệ này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều ứng dụng, bao gồm khả năng giúp những người bị liệt hoặc có vấn đề về giao tiếp có thể tương tác với thiết bị công nghệ chỉ bằng suy nghĩ của mình.

Hệ thống cấy ghép của Neuralink, được gọi là Telepathy, được kỳ vọng sẽ mang đến khả năng điều khiển điện thoại hoặc máy tính chỉ bằng suy nghĩ cho người sử dụng. Theo đó con chip sử dụng công nghệ này,chứa 1,024 điện cực gắn trên các sợi dây mềm mảnh hơn sợi tóc người. Mỗi điện cực này ghi lại hoạt động điện của các tế bào thần kinh trong não nhưng không “kiểm soát” chúng. Nhóm đối tượng đầu tiên được hưởng lợi nhờ Telepathy đến là những người “mất khả năng sử dụng chân tay”, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Neuralink cũng nghiên cứu khả năng sử dụng công nghệ này để điều trị các bệnh thần kinh như Parkinson, Alzheimer, và thậm chí là khả năng phục hồi chức năng cho những bệnh nhân đã mất khả năng di chuyển hoặc cảm giác do chấn thương cột sống.

Ra đời với tham vọng cung cấp cho con người “thị giác siêu phàm”

Neuralink, do tỷ phú Elon Musk đồng sáng lập vào năm 2016, là một công ty công nghệ thần kinh tiên tiến, chuyên phát triển giao diện não–máy tính cấy ghép (BMI). Công ty có trụ sở chính tại San Francisco và đã được công chúng biết đến lần đầu vào tháng 3 năm 2017.

Neuralink đã nhận được sự chấp thuận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào tháng 5 năm 2023 để bắt đầu thử nghiệm trên người. Công ty đang nỗ lực phát triển các ứng dụng y tế khác cho công nghệ cấy ghép chip não, hướng đến mục tiêu phục hồi các chức năng như thị giác, chức năng vận động và ngôn ngữ, đồng thời nâng cao trải nghiệm của con người trong tương lai.

Elon Musk: Người đầu tiên được cấy chip Neuralink vào não đã điều khiển được chuột máy tính 'chỉ bằng suy nghĩ'- Ảnh 2.

Thiết bị dùng để phẫu thuật cấy chip vào não của Neuralink

Được biết, quá trình cấy chip của Neuralink bao gồm việc sử dụng một robot phẫu thuật chuyên biệt để cấy một thiết bị nhỏ vào não. Thiết bị này, thường được gọi là “Link,” có kích thước nhỏ gọn, khoảng bằng đồng xu, và được cấy dưới da ở phần trên của sọ, gần với não. Link kết nối với các sợi dây rất mảnh, có thể nhỏ hơn cả tóc, được gọi là “điện cực,” vốn được dẫn trực tiếp vào não để ghi lại hoạt động thần kinh và kích thích các khu vực cụ thể của não.

Robot phẫu thuật của Neuralink cũng được thiết kế để tự động thực hiện quy trình cấy ghép mà không gây tổn thương đáng kể đến mô não xung quanh. Quy trình này tối ưu hóa việc đặt điện cực một cách chính xác và an toàn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng hoặc phản ứng từ phía cơ thể.

Đáng nói, dù Elon Musk đã mô tả những mục tiêu xa hơn cho chip não, bao gồm liên kết não với máy tính để tải thông tin và ký ức từ sâu bên trong tâm trí xuống như trong phim “The Matrix” và cung cấp cho con người “thị giác siêu phàm” cũng như đạt được khả năng thần giao cách cảm giữa con người, nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực khẳng định rằng khả năng này vẫn còn là viễn tưởng. Họ nhấn mạnh rằng hiện tại, khả năng giải mã thông tin từ não bộ còn rất hạn chế và việc đọc được suy nghĩ của con người là điều không thể hiện nay.

Bên cạnh đó, vẫn có những mối quan ngại về độ an toàn của công nghệ này. Các thử nghiệm trước đó trên động vật của Neuralink đã gây ra cái chết cho khoảng 1,500 con vật thí nghiệm, dẫn đến lo ngại nghiêm trọng từ phía các chuyên gia. Mặc dù Neuralink đã thừa nhận một số trường hợp tử vong trong số các con vật thí nghiệm nhưng công ty này đã phản bác lại các cáo buộc ngược đãi động vật.

Nhìn chung, đây là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn nhưng cũng không kém phần thách thức, yêu cầu sự chính xác cao và sự hiểu biết sâu sắc về cả công nghệ và sinh học. Bản thân Neuralink đã, đang và sẽ cần vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật cũng như những quy định pháp lý nghiêm ngặt trước khi công nghệ của họ có thể được ứng dụng rộng rãi và chính thức.

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/elon-musk-nguoi-au-tien-uoc-cay-chip-neuralink-vao-nao-a-ieu-khien-uoc-chuot-may-tinh-chi-bang-suy-nghi-a403831.html