Liệu có xứng đáng để người dùng từ bỏ phần mềm diệt virus mặc định của Windows và “rút hầu bao” để chuyển sang Bkav Pro?
Tháng trước, Bkav đã chính thức ra mắt phiên bản mới nhất của phần mềm diệt virus Bkav Pro. Bkav Pro 2024 được Bkav tuyên bố “đạt đẳng cấp quốc tế”, do phần mềm này được chứng nhận bởi AV-TEST, một tổ chức độc lập đánh giá phần mềm diệt virus.
“Để mở rộng thị trường toàn cầu, chứng chỉ quốc tế cho sản phẩm là điều kiện cần thiết. Chúng tôi lựa chọn AV Test vì đây hiện là bài kiểm định tốt nhất thế giới”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu mã độc của Bkav, cho biết. “Chúng tôi hài lòng với tiêu chí và độ khó của AV Test, đúng với những tiêu chuẩn mà Bkav mong muốn trước đây là việc kiểm định chất lượng bắt virus phải như bắt cá dưới nước, tính thực tế cao chứ không thể như bắt cá trên bờ, chỉ đơn thuần là quét virus theo tập mẫu cho trước”.
Ngoài Bkav Pro, AV-TEST còn thử nghiệm rất nhiều phần mềm diệt virus khác, trong đó bao gồm Microsoft Defender. Nếu như Bkav Pro đang được Bkav bán với mức giá niêm yết 299.000 đồng/năm, thì Microsoft Defender hoàn toàn miễn phí và được tích hợp sẵn vào hệ điều hành Windows. Mặc định, Microsoft Defender tự động kích hoạt và người dùng không cần phải làm gì thêm.
Vậy, liệu có đáng để người dùng bỏ ra 299.000 đồng, sau đó mất công cài đặt một phần mềm diệt virus như Bkav Pro thay vì sử dụng một phần mềm miễn phí tích hợp sẵn? Hãy cùng đến với kết quả của AV-TEST.
Hiểu về quá trình thử nghiệm của AV-TEST
Trước khi đi vào kết quả chi tiết, chúng ta cần hiểu rõ về cách thức AV-TEST đánh giá phần mềm diệt virus. Quá trình kiểm định của AV-TEST gồm ba hạng mục chính: Bảo vệ (Protection), Hiệu năng (Performance) và Usability (Khả năng sử dụng). Trong đó:
– Bảo vệ (Protection): Đánh giá khả năng bảo vệ của phần mềm diệt virus trước các mã độc.
– Hiệu năng (Performance): Đánh giá mức độ ảnh hưởng của phần mềm diệt virus tới hiệu năng (tốc độ) của máy tính.
– Usability (Khả năng sử dụng): Đánh giá mức độ ảnh hưởng của phần mềm diệt virus tới khả năng sử dụng của máy tính, tập trung về khía cạnh nhận diện sai.
Điểm số tối đa cho mỗi hạng mục này là 6, có nghĩa điểm số hoàn hảo là 18. Một sản phẩm đạt điểm tổng trên 10 điểm sẽ được AV-TEST “phê duyệt” (certified). Đặc biệt, nếu đạt trên 17.5 điểm, AV-TEST sẽ đánh giá là “sản phẩm hàng đầu” (Top Product).
AV-TEST đăng tải báo cáo đánh giá phần mềm diệt virus theo chu kỳ 2 tháng/lần, vì vậy kết quả dưới đây sẽ tổng hợp hai tháng gần nhất của thời điểm bài viết là tháng 11 và tháng 12/2023. Trong các số liệu được tổng hợp trong bảng dưới đây, chữ màu xanh biểu thị phần mềm đạt kết quả tốt hơn, và màu đỏ biểu thị phần mềm đạt kết quả kém hơn.
BKAV vs. Microsoft Defender: Khả năng bảo vệ trước mã độc
Nhóm AV-TEST thử nghiệm với hai loại mã độc khác nhau:
– Mã độc “0-day”: Là dạng mã độc mới, chưa có trong cơ sở dữ liệu của phần mềm diệt virus. Các phần mềm diệt virus hiện nay đều có khả năng phân tích theo hành vi, và những mã độc này được sử dụng để kiểm chứng khả năng trên. Nhóm AV-TEST cho biết những mã độc trong bài thử nghiệm này xuất hiện trong vòng 24 giờ trước thời điểm thử nghiệm.
– Mã độc phổ biến: Là một tập hợp mã độc phổ biến được nhóm AV-TEST thu thập trong vòng 4 tuần trước thời điểm thử nghiệm.
Bkav cho thấy một màn trình diễn “không thể tin nổi”, đặc biệt vào tháng 11/2023 khi chỉ nhận diện được 54.4% mã độc 0-day. Trong tháng 12, Bkav đã có sự bứt phá khi đạt tỷ lệ 88.5%, nhưng vẫn kém xa mức 100% của Microsoft Defender. Trong cả hai tháng, Bkav đều cho kết quả dưới mức tiêu chuẩn ngành là 97.6%.
Điểm số của AV-TEST: Bkav 3/6 – Microsoft Defender 6/6.
BKAV vs. Microsoft Defender: Ảnh hưởng tới hiệu năng
Trong bài thử nghiệm này, AV-TEST cùng lúc thực hiện các tác vụ phổ biến trên hai loại PC, sau đó đánh giá mức độ máy bị chậm đi sau khi cài đặt phần mềm diệt virus.
PC tiêu chuẩn: Lenovo ThinkCentre V55t MT (11KG0031GE): AMD Ryzen 5 4600G; 256 SSD, 8 GB RAM; AMD Radeon Graphics
PC cao cấp: Lenovo ThinkStation P340 (30DH00GUGE): Intel Core i7 10700K; 1TB SSD NVMe; 16G RAM; Intel UHD Graphics 630
Trong số các bài thử nghiệm, duy nhất một lần Microsoft Defender thua cuộc trước Bkav là trong tháng 12 với tác vụ truy cập các website phổ biến. Tuy nhiên, tỷ lệ chậm hơn 20% của Microsoft Defender vẫn dưới mức tiêu chuẩn ngành (22%).
Trái lại, Bkav lại thất thế ở hai tác vụ là “Cài đặt ứng dụng thường xuyên sử dụng” và “Copy file nội bộ và qua mạng” với tỷ lệ làm chậm 28% và 6%, trong khi tiêu chuẩn ngành lần lượt chỉ là 15% và 2%.
Điểm số của AV-TEST: Bkav 5.5/6 – Microsoft Defender 6/6.
BKAV vs. Microsoft Defender: Mức độ nhận diện sai
Để đánh giá mức độ nhận diện sai, AV-TEST truy cập/cài đặt các website/phần mềm hợp lệ. Riêng với phần mềm, AV-TEST đánh giá mức độ nhận diện sai khi quét hệ thống cũng như cài đặt.
Lưu ý: Với thử nghiệm “Cảnh báo sai khi cài đặt và sử dụng phần mềm hợp lệ” và “Cản trở khi cài đặt và sử dụng phần mềm hợp lệ”, AV-TEST thử nghiệm với 3 bộ mẫu thử khác nhau, trong đó bao gồm 2 bộ với 19 mẫu thử và 1 bộ với 39 mẫu thử.
Trong bài thi này, Bkav thất bại hoàn toàn trước Microsoft Defender. Nếu như phần mềm diệt virus miễn phí của Microsoft không phát hiện nhầm hay cảnh báo sai trong bất cứ trường hợp nào, thì phần mềm tính phí của Bkav lại thường xuyên mắc sai lầm.
Đặc biệt là với bài thử nghiệm “Nhận diện sai phần mềm hợp lệ khi quét hệ thống”, Bkav đã nhận diện sai tới 190 mẫu thử trong tháng 11 và 84 mẫu thử trong tháng 12, gấp nhiều lần con số tiêu chuẩn ngành là 17 mẫu thử.
Điểm số của AV-TEST: Bkav 3/6 – Microsoft Defender 6/6.
Tổng kết: Microsoft Defender bỏ xa Bkav Pro
Kết quả chung cuộc, Bkav có tổng điểm 11.5/18 điểm, vượt qua mốc 10 điểm để được AV-TEST chứng nhận. Trong khi đó, Microsoft Defender đạt 17.5/18 điểm và giành chứng nhận “Sản phẩm hàng đầu” của AV-TEST.
Trong cả ba hạng mục, Bkav đều thất bại trước Microsoft Defender.
– Bất chấp việc được Bkav ứng dụng công nghệ AI, tỷ lệ nhận diện mã độc của Bkav Pro vẫn thua kém Microsoft Defender và thậm chí là còn thấp hơn cả tiêu chuẩn ngành.
– Bkav cũng khiến máy chậm hơn so với Microsoft Defender, trong đó đặc biệt là tốc độ cài đặt ứng dụng và copy file.
– Tỷ lệ nhận diện sai của Bkav cao hơn “vô số” lần so với Microsoft Defender.
Dựa theo đánh giá của AV-TEST, người dùng Windows tốt nhất nên tiếp tục sử dụng Microsoft Defender, khi đây là một phần mềm virus hiệu quả hơn, tối ưu hơn và đáng tin cậy hơn so với Bkav Pro. Và rõ ràng, Microsoft Defender là một phần mềm miễn phí, vì vậy người dùng sẽ không phải lo tới vấn đề về chi phí bản quyền.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/so-sanh-bkav-pro-va-microsoft-defender-299-000-ong-nam-va-mien-phi-cai-nao-tot-hon-a402824.html