Một nhóm nhà khoa học từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) báo cáo rằng thiết bị cấy ghép não mà họ phát triển đã phục hồi khả năng vận động của cánh tay cho một bệnh nhân bị liệt từ lâu.
Theo SCMP, giải pháp cấy ghép não mà các nhà khoa học Trung Quốc phát triển ít gây nguy hiểm cho mô não hơn so với cấy ghép từ Neuralink của tỉ phú Elon Musk. Trong tuyên bố gần đây của Neuralink, miếng cấy ghép của họ xuyên qua mô thần kinh của vỏ não. Mặc dù sự xâm nhập này chỉ xảy ra 2 mm nhưng chắc chắn nó sẽ phá hủy một số tế bào thần kinh tại vị trí lắp đặt.
Còn với giải pháp từ các nhà khoa học Trung Quốc, họ đã đi một con đường khác. Trong khoảng 10 năm, một nhóm từ Đại học Thanh Hoa đã phát triển một bộ phận cấy ghép có thể duy trì đủ độ nhạy với tín hiệu não và không làm tổn thương các tế bào thần kinh vỏ não bằng cách đặt cảm biến Neural Electronic Opportunity (NEO) trong khoang ngoài màng cứng giữa não và hộp sọ. Nó cũng chứa đầy các mô và mạch sống, tuy nhiên không có mô thần kinh trong đó.
Cảm biến NEO không có nguồn điện riêng và không có dây. Một ăng-ten truyền tần số cao để truyền tải điện và bộ điều khiển cũng như bộ phát tín hiệu não tới smartphone hoặc máy tính được gắn ở bên ngoài hộp sọ. Nền tảng này hoạt động thông qua một hệ thống máy học giúp cải thiện khả năng của nó khi các hoạt động phục hồi chức năng tiến triển.
Bộ cấy ghép NEO đầu tiên đã được lắp vào bệnh nhân vào ngày 24.10.2023 và theo các nhà khoa học, họ đang quan sát thấy những “tiến bộ ấn tượng” diễn ra. Bệnh nhân là một người đàn ông không thể cử động tay và chân trong suốt 14 năm qua sau khi bị chấn thương. Với sự trợ giúp của thiết bị cấy ghép não, ông đã học cách kiểm soát bộ phận bên ngoài trên cánh tay của mình đến mức có thể ăn thức ăn trên tay. Vào tháng 12, một bệnh nhân khác đã được phẫu thuật và cấy ghép nhưng vẫn đang trong giai đoạn hồi phục.
“Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu là phát triển một quy trình phục hồi chức năng tích cực mới với sự hỗ trợ cho giao diện não – máy tính nhằm đẩy nhanh sự phát triển của mô thần kinh tại vị trí các đoạn tủy sống bị tổn thương”, thông báo từ Đại học Thanh Hoa cho hay.
Cũng theo thông báo, các nhà khoa học sẽ không giới hạn bản thân trong việc điều trị chấn thương và các bệnh về hệ thần kinh. Trong tương lai, họ hướng đến việc kết nối bộ não và máy tính với một giao diện sao cho cái này trở thành sự tiếp nối của cái kia.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-phat-trien-giai-phap-cay-ghep-nao-an-toan-hon-neuralink-185240202120741372.htm