Trang tin Công nghệ, Gaming và Giải Trí tổng hợp

Entertainment

Từng kỳ vọng chiếm thứ 2 thị phần Việt, nay Bphone của ông Nguyễn Tử Quảng chật vật ở sân nhà

BKAV - Nguyễn Tử Quảng

BKAV của ông Nguyễn Tử Quảng từng đặt mục tiêu đạt top 2 thị phần smartphone tại Việt Nam trong năm 2023 và khẳng định đây là một điều hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, thực tế Bphone gần như hoàn toàn bị lép vế ngay trên sân nhà khi “mất hút” trên nhiều kênh phân phối lớn.

BKAV - Nguyễn Tử Quảng

Hệ sinh thái BKAV của ông Nguyễn Tử Quảng đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại như nợ lương người lao động, chậm đóng bảo hiểm xã hội, lợi nhuận tụt dốc. Đồ hoạ: Thạch Lam

Những lần xuất hiện đầy “ồn ào”

Là một doanh nghiệp công nghệ với khởi điểm chuyên về phần mềm diệt virus và bảo mật, BKAV (Công ty Cổ phần BKAV) – do ông Nguyễn Tử Quảng là người đại diện pháp luật – mở rộng sang mảng phần mềm chính phủ điện tử, giải pháp nhà thông minh… và đầu tư lớn vào phát triển điện thoại thông minh thương hiệu Việt.

Năm 2015, Bphone lần đầu tiên ra mắt, được BKAV định vị là một “siêu phẩm hàng đầu thế giới”, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ hàng đầu ở thời điểm đó như iPhone 6 Plus hay Samsung Galaxy S6. Mức giá của Bphone khởi điểm ở mức 10 triệu đồng, trong đó cao cấp nhất là phiên bản viền mạ vàng 24K với giá hơn 20 triệu đồng. Thời điểm này, Bphone nuôi tham vọng sẽ cạnh tranh ở phân khúc cao cấp giá gần 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngay tại lần đầu khi chưa có kinh nghiệm nên BKAV dính hàng loạt các tin xấu như sự cố giao hàng chậm, các thông tin về camera như “chụp hình trước, lấy nét sau”, BOS hay phần cứng. Cuối cùng thì đến cuối tháng 6.2015, chiếc điện thoại cũng đến tay khách hàng đầu tiên.

Đến tay người dùng, Bphone 1 chịu hàng loạt các thông tin xấu về chất lượng màn hình (ám xanh, ám vàng). Bị lỗi nhiệt, hệ điều hành… Hay lùm xùm về công nghệ chụp ảnh trước lấy nét sau không có thật. Có thể xem như sản phẩm đầu tay chưa thật sự thành công như mong đợi.

Năm 2017, Bphone xoay sang phân khúc tầm trung với mức giá khoảng tầm 5-10 triệu đồng. BKAV tiếp tục trình làng phiên bản Bphone 2017 Gold, một lần nữa được BKAV nhận định là “siêu phẩm” và so sánh trực tiếp với iPhone 7 Plus hay Samsung Galaxy S8. Tuy nhiên, BKAV cho biết mẫu máy này không có mặt tại Việt Nam mà chỉ được bán tại thị trường Dubai.

Năm 2020, bộ 4 chiếc Bphone 86s, Bphone 86, Bphone 60, Bphone 40 được BKAV giới thiệu với thông điệp trải nghiệm không giới hạn. Lần gần đây nhất ra mắt sản phẩm mới, BKAV bán ra điện thoại Bphone A85 5G từ ngày 6.6.2022, với giá bán là 9.490.000 đồng (thuộc phân khúc tầm trung).

Cuối tháng 8.2023, nhân dịp ngày Quốc khánh 2.9, BKAV giảm giá nhiều mẫu Bphone và tai nghe AirB trong thời gian từ ngày 28.8 đến 10.9. Theo đó, những chiếc Bphone có mức giá: Bphone A40: 1.800.000 đồng; Bphone A50: 2.300.000 đồng; Bphone A60: 2.700.000 đồng; Bphone A85: 6.000.000 đồng.

Kể từ thời điểm công bố lần đầu vào năm 2015, chưa bao giờ BKAV lại giảm giá Bphone sâu đến vậy. Điều này đi ngược lại với chiến lược của BKAV trước đây, khi ông Nguyễn Tử Quảng – CEO BKAV từng tuyên bố “Bphone không giảm giá và không cần giảm giá đã hết hàng để bán trước khi ra mắt phiên bản mới”.

Tham vọng giành top 2 thị phần smartphone Việt Nam và thực tế “nhọc nhằn”

Ông Nguyễn Tử Quảng từng cho biết, BKAV đặt mục tiêu đạt top 2 thị phần smartphone tại Việt Nam và khẳng định đây là một điều hoàn toàn khả thi. BKAV muốn và nỗ lực đem tới cho người Việt Nam chiếc điện thoại có mọi thứ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất.

Nhưng thực tế, Bphone dường như vẫn chưa có vị trí trong thị trường điện thoại Việt Nam sau nhiều năm ra mắt. Điều này được thể hiện ở số lượng sản phẩm Bphone bán ra được rất ít. Thậm chí, nhiều người dùng không biết đến thương hiệu Việt này.

Theo báo cáo tháng 12.2023 do hãng phân tích thị trường Canalys vừa công bố cho thấy, Bphone hoàn toàn không được xuất hiện trong top những điện thoại chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Thay vào đó, Samsung vẫn là nhà sản xuất có thị phần lớn nhất tại Việt Nam (29%), trong khi Oppo đứng ở vị trí thứ hai với 24% thị phần.

Nhiều người cho rằng, Bphone gần như hoàn toàn bị lép vế ngay trên sân nhà khi “mất hút” trên nhiều kênh phân phối lớn như Thế giới đi động, FPT Shop và CellphoneS. Theo đó, năm 2018, Thế Giới Di Động sau khi thông báo sẽ phân phối Bphone thì đã âm thầm dừng bán sản phẩm này. Hay như trên các kệ hàng của FPT Shop, sản phẩm điện thoại Bphone cũng không có mặt.

Thực tế cho thấy Bphone đang nhọc nhằn tiếp cận với khách hàng Việt khi độ phủ sóng và nhận diện vẫn chưa cao. Dường như, mục tiêu giành top 2 thị phần smartphone Việt Nam của BKAV còn rất xa.

Nguồn: https://laodong.vn/thi-truong/ky-vong-chiem-thu-2-thi-phan-viet-bphone-cua-ong-nguyen-tu-quang-chat-vat-o-san-nha-1310531.ldo