Sau khi hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm trong năm 2023, Viettel sẽ chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế trong năm nay.
Đây là một trong những mục tiêu được Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đặt ra trong năm 2024.
Ngày 12.1, Viettel đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, Viettel tiếp tục giữ vững vai trò doanh nghiệp lớn nhất của ngành, đạt đạt doanh thu hợp nhất 172.500 tỉ đồng, tăng trưởng 5,4%.
Trong đó, thị phần viễn thông tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu bền vững với 56,5%. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế số 1 gồm cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần.
Theo đánh giá của Umlaut (Công ty đo kiểm viễn thông hàng đầu thế giới ), Viettel tiếp tục là nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam và nằm trong top 40 nhà mạng có chất lượng tốt nhất thế giới.
Dịch vụ 5G đã được triển khai thử nghiệm gần 500 trạm tại 63 tỉnh, thành phố. Viettel cũng đã triển khai mạng di động 5G dùng riêng trong thực tế.
Trong năm qua, Viettel đã triển khai nhiều hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội và TP.HCM, góp phần phát triển hệ sinh thái dịch vụ Cloud lớn nhất cả nước.
Về xuất khẩu dịch vụ viễn thông và công nghệ ra nước ngoài, trong năm qua, tập đoàn này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, với doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%.
Hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh đã có hợp đồng xuất khẩu sang Ấn Độ, một trong những quốc gia công nghệ phát triển và có dân số đông nhất thế giới.
Viettel duy trì vị thế là nhà cung cấp hệ sinh thái số toàn diện nhất hiện nay với 6 lĩnh vực nền tảng: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Đáng chú ý, Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
Viettel đã công bố nghiên cứu thành công Chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỉ phép tính/giây), đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với thiết bị của nhiều hãng cung cấp dịch vụ toàn cầu.
Theo thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, trong năm 2024, mục tiêu của tập đoàn là tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài; duy trì vị thế số 1 về thị phần data center và cloud; chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế; phát triển sản phẩm thiết bị năng lượng xanh; cung cấp giải pháp toàn diện cho logistics xuyên biên giới và triển khai tuyến vận chuyển đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc.
Trước đó, tháng 12.2023, Bộ TT-TT đã công bố quyết định về việc công nhận một số sản phẩm do Viettel nghiên cứu, sản xuất thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, gồm: thiết bị mạng viễn thông 5G (mạng thu phát sóng vô tuyến 5G gNodeB, mạng lõi, thiết bị truyền dẫn) và chip xử lý trong thiết bị 5G.
Các sản phẩm này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
Nguồn: thanhnien.vn.